Skip to main content

Chuẩn bị cho điều khoản rút lui - GOOD LEAVER và BAD LEAVER

Xin chào các anh chị và các bạn! Trong quá trình hoàn tất 1 deal đầu tư gần đây, tôi có cơ hội để nghiêm túc “suy tư” về điều khoản rút lui (leaver provision) trong hợp đồng đầu tư. Đây là điều khoản mà tôi chưa thật sự để ý trước đây nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến startup trong những giai đoạn phát triển sau này. Trong quá trình nghiên cứu tài liệu để viết bài blog này, tôi khá bất ngờ rằng chưa có tài liệu tiếng việt đề cập đến điều khoản này, và việc này càng thôi thúc tôi “việt hóa” điều khoản này. Vì vậy, tôi mong muốn qua bài blog này có thể chia sẻ những thông tin cần thiết để các nhà sáng lập có thể biết và chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi đặt bút kí bất kì hợp đồng đầu tư nào.

Tại sao chúng ta cần điều khoản rút lui?

Đối với các thương vụ đầu tư giai đoạn sớm, yếu tố con người luôn chiếm 1 phần rất quan trọng đối với bất kì quyết định đầu tư vào. Lúc này, góc nhìn định giá sẽ là: Với đội ngũ sáng lập này, tiềm năng phát triển của startup A trong thị trường B sẽ như thế nào trong thời gian sắp tới? Vậy bạn nghĩ sao nếu startup A được định giá $10M đô và ngày mai tất cả đội ngũ sáng lập đều nghỉ và bán cổ phiếu vì nó lên giá. Điều khoản rút lui được tạo ra để đảm bảo những trường hợp như vậy không xảy ra. Thật ra, điều khoản này được xây dựng trên tinh thần win-win cho tất cả các bên, cũng như không được tạo ra để bảo vệ một bên nào; và tôi sẽ giải thích chi tiết hơn luận điểm này ở phần sau.

Bên cạnh đó, làm startup là chặng đường rất khốc liệt và không hề dễ dàng, và không phải các nhà sáng lập từ ngày đầu đều phù hợp đồng hành cùng nhau trong nhiều giai đoạn phát triển của startup. Lúc này, điều khoản rút lui tạo ra cơ chế giúp cho các nhà sáng lập có thể rời đi để bắt đầu những chặng hành trình mới, phù hợp hơn với họ. Thực tế, có rất nhiều lý do để ra đi, ví dụ, có người ra đi vì vấn đề sức khỏe không cho phép, tuy nhiên, cũng có người ra đi vì không thực hiện được công việc như đã cam kết trước đó. Vì vậy, điều khoản rút lui thường chia ra 2 trường hợp: Good leaverBad leaver - tạm dịch là Người rời đi Tốt và Người rời đi Xấu.

Good leaver: thông thường là những trường hợp rời công ty không phải vì sai phạm cá nhân (ví dụ như nghỉ hưu hoặc sau 1 vụ sát nhập, vị trí của anh/ chị ấy không còn cần thiết nữa).

Bad leaver: thông thường là những trường hợp cá nhân bị người sử dụng lao động sa thải (ví dụ vì thành tích kém hoặc có hành vi sai trái) hoặc tự ý rời đi.

Thực tế, việc xác định một người là Good hay Bad leaver thực sự rất khó khăn, bởi vì điều khoản được soạn thảo trước khi sự kiện thực tế diễn ra. Để giải quyết vấn đề này, điều khoản rút lui thường quy định hội đồng đầu tư hoặc hội đồng quản trị là bên ra quyết định trường hợp ra đi là Good hay Bad leaver.

Share Vesting?

Trước khi thảo luận về ảnh hưởng Good leaver/ Bad leaver đến giá trị của cổ phiếu, để làm rõ hơn bức tranh toàn cảnh, tôi xin phép giới thiệu về Share Vesting (Chia cổ phiếu). Shares Vesting là quá trình một nhân viên - cụ thể ở đây là nhà sáng lập, được nhận cổ phiếu hoặc quyền mua cổ phiếu nhưng chỉ nhận được đầy đủ các quyền đối với chúng trong một khoảng thời gian nhất định. Nói cách khác, khi nhà sáng lập rời đi, số lượng cổ phiếu mà nhà sáng lập đó có thể mất (do chưa được vest) được quyết định bởi vesting schedule (lịch trình vesting). Tôi xin phép dùng ví dụ sau để có thể giải thích trực quan hơn:

Hợp đồng quy định số lượng cổ phiếu nắm sở hữu bởi founder (Founder shares) sẽ được vest bằng nhau theo năm trong thời hạn 4 năm.

Nếu nhà sáng lập giữ 100,000 cổ phiếu, ở mốc thời gian 1 năm - anh/ chị ấy sẽ có 25,000 cổ phiếu đã được chia - hay còn gọi là Vested Shares, và phần còn lại (75,000 cổ phiếu) sẽ được gọi là Unvested Shares. Tương tự, nếu nhà sáng lập ở lại làm việc càng lâu thì sẽ nhận được nhiều Vested Shares hơn. Thông thường, Vested Shares sẽ có giá trị cao hơn Unvested Shares trong cả 2 trường hợp Good leaver và Bad leaver. Tùy theo hợp đồng được kí kết, Unvested Shares thường được định giá ở mức $1 đô la/ cổ phiếu hoặc par value (giá trị danh nghĩa). Par value là giá trị mà tổ chức phát hành ấn định cho chứng khoán và được ghi trên chứng khoán đó - ví dụ, mệnh giá cổ phiếu của các công ty đại chúng ở Việt Nam là 10,000 đồng/ cổ phiếu khi được phát hành lần đầu.

Nguyên tắc định giá của founder shares

Việc định giá sẽ tùy thuộc vào hợp đồng mà 2 bên thảo luận trong từng trường hợp cụ thể, vì thế rất khó để tôi có thể diễn giải theo 1 khuôn mẫu nhất định. Thay vào đó, tôi muốn làm rõ hơn về nguyên tắc định giá cổ phiếu giữa Good leaver và Bad leaver.

Good leaver sẽ được hưởng quyền lợi tốt hơn so với Bad leaver, và điều này có thể được phản ánh qua giá trị cổ phiểu hay/ và số lượng vested và unvested shares. Về giá trị cổ phiếu, good leaver thường sẽ cao hơn bad leaver và sự khác biệt này sẽ được quy định bởi hợp đồng đầu tư. Còn về số lượng vested và unvested shares, trong một số trường hợp, công ty sẽ cho phép đẩy nhanh quá trình vesting ở thời điểm ra đi, qua đó tăng số lượng vested shares mà người ra đi có thể nhận. Dựa trên ví dụ ở trên, nếu công ty cho phép quá trình vesting của good leaver được đẩy nhanh 1 năm, nhà sáng lập rời công ty ở mốc năm thứ 2 nhận được 75,000 vested shares (tương đương 75% shares cổ phiếu được vest).

Từ góc nhìn này, tôi xin phép giải thích rõ hơn về tinh thần win-win của điều khoản rút lui đã được nhắc đến ở phần đầu. Lợi ích của good leaver sẽ luôn tốt hơn bad leaver, vì vậy, nếu phải ra đi, mọi người sẽ muốn mình là good leaver. Để trở thành good leaver, hay để không trở thành bad leaver, nhà sáng lập sẽ ít nhất, không làm tổn hại đến công ty và phải nỗ lực để đạt được, hay thậm chí vượt trên được kỳ vọng của công ty đặt ra. Vì vậy, điều khoản này bảo vệ lợi ích chung của startup - tạo động lực để mọi người cùng nhau cố gắng đưa công ty lên những bậc thang mới trong tương lai.

Soạn thảo điều khoản rút lui là một nghệ thuật

Các phần trên đã giải thích các khái niệm cũng như cơ chế hoạt động của điều khoản rút lui, ở phần này, tôi muốn chia sẻ sâu hơn lý do việc soạn thảo điều khoản này là một nghệ thuật. Dựa trên cơ sở, mỗi quyết định đưa ra đều dựa trên lợi ích của công ty. Vì vậy, khi có nhà sáng lập muốn ra đi, công ty sẽ không cố gắng giữ mọi người cùng ở lại bằng mọi giá mà sẽ tôn trọng quyết định chung của cả đội ngũ. Nói cách khác, cả đội ngũ và tôi sẽ cố tạo ra cơ chế linh hoạt trong điều khoản rút lui, hỗ trợ startup tìm được “đường ra” nhanh chóng cho những trường hợp rút lui, sau đó có thể quay lại tập trung phát triển kinh doanh. Và để làm được điều này thật sự không dễ, hãy xem một vài ví dụ nhé:

Nếu quy định quá khắc khe với bad leaver, người ra đi hầu như sẽ không nhận được gì sau rất nhiều tâm huyết, thời gian, và công sức cho công ty từ những ngày đầu. Vì vậy, thành viên khi ra đi biết khả năng cao bị bad leaver sẽ có xu hướng cố trụ lại, không muốn rời công ty vì vấn đề lợi ích. Vô hình chung tạo ra 1 bottle-neck (nút thắt cổ chai) trong công ty, làm chậm tiến độ phát triển của công ty.

Mặt khắc, nếu quy định quá nới lỏng với bad leaver có thể gián tiếp tạo động lực rút lui cho các nhà sáng lập, phần nào khiến họ không còn máu lửa để tiếp tục phát triển công ty. Các nhà sáng lập luôn có lợi thế về thông tin hơn so với các nhà đầu tư - hay còn gọi là assymetric information (thông tin bất đối xứng). Vì thế, nếu họ biết công ty đang bị overprice (được định giá cao hơn giá trị thực của công ty) hoặc tình hình của công ty tệ hơn so với những gì mà nhà đầu tư biết (vd: khai khống tài chính, nợ xấu, vv), nhà sáng lập sẽ có xu hướng muốn rút lui hơn là toàn tâm toàn ý giải quyết các vấn đề tồn đọng. Mặt khác, khi một nhà sáng lập rời đi, tôi mong muốn rằng cổ phần sẽ được mua lại bởi các nhà sáng lập còn lại, để tỷ lệ sở hữu của đội ngũ sáng lập không đổi - đủ để tạo bàn đạp giúp startup có thể gọi vốn các vòng tiếp theo. Do đó, nếu giá trị mua lại quá cao so với khả năng tài chính của các thành viên còn lại, thì đây cũng là một điểm cần phải cân nhắc.

Quỹ Genesia đã soạn thảo điều khoản này thế nào?

Ở phần này, tôi xin chia sẻ quá trình “đi học” của mình ở Quỹ Genesia. Việc đầu tiên, chúng tôi sẽ tổng hợp các hợp đồng từ VC đến PE trong kho dữ liệu (database) của mình. Sau đó, chúng tôi đi tìm lời giải cho câu hỏi: “Nếu chúng tôi là nhà sáng lập, chúng tôi sẽ muốn được nhận điều khoản như thế nào?”. Từ góc nhìn đó, chúng tôi sắp xếp các điều khoản theo thứ tự từ good term (điều khoản tốt) đến bad term (đièu khoản chưa tốt) cho từng phần (good leaver, bad leaver, vested share và unvested shares). Học hỏi từ những good terms đó, chúng tôi soạn thảo những điều khoản phù hợp cho startup mà chúng tôi chuẩn bị đầu tư. Cuối cùng, chúng tôi trao đổi với đội ngũ sáng lập để thống nhất điều khoản trong hợp đồng. May mắn trong lần này, 2 bên đã đồng ý và chốt rất nhanh chóng.

Vậy từ góc nhìn của startup, nhà sáng lập nên làm gì khi thảo luận với VC? Cùng với mong muốn chia sẻ những thông tin cơ bản về điều khoản rút lui, đây là câu hỏi mà tôi khiến tôi bận tâm nhất khi viết bài blog này. Và đây là 1 câu hỏi khó để có thể trả lời được chỉnh chu trong khuôn khổ của 1 bài blog. Trong quá trình thương thảo, việc hiểu được mong muốn của đối phương là chìa khóa tổng (master key). Vậy VC mong muốn gì trong trường hợp này? Thực tế, mỗi VC sẽ có góc nhìn khác nhau, và đây chỉ là chia sẻ cá nhân của tôi. Khi 2 bên đã bước đến bước thương thảo hợp đồng, điều này cho thấy độ nghiêm túc muốn được đồng hành cùng startup của VC. Vì thế, trong ngắn hạn, VC muốn hoàn tất thương vụ đầu tư. Trong trung và dài hạn, VC muốn công ty phát triển vượt bậc để họ có thể thoái vốn với mức lợi nhuận hấp dẫn. Vậy điều khoản rút lui này ảnh hưởng thế nào với mong muốn của VC? Hi vọng, với luận điểm ở phần “Soạn thảo điều khoản rút lui là một nghệ thuật” trên của tôi, sẽ là một góc nhìn các anh chị nhà sáng lập có thể tham khảo. Từ những câu hỏi trên, các nhà sáng lập có thể đưa ra được “chiến lược” của riêng mình. Lưu ý rằng, điều khoản rút lui là win-win, nên “chiến lược” của anh chị nên xoay quanh lợi ích chung của startup.

Lời kết, hi vọng bài blog này đã chia sẻ cho anh chị những thông tin cần thiết về điều khoản rút lui, qua đó giúp anh chị thiết kế được “chiến thuật” phù hợp để thương thảo với các nhà đầu tư. Để quá trình thương thảo diễn ra thuận lợi hơn, anh chị có thể cân nhắc tham vấn luật sư để có góc nhìn đa chiều hơn. Cảm ơn các anh chị đã đọc bài blog và mong rằng bài viết này có thể mang lại được giá trị cho anh chị.

Popular posts from this blog

#9 Định giá startup giai đoạn sớm như thế nào là hợp lí?

Xin chào quý anh chị và các bạn. Định giá luôn là 1 phần tất yếu trong công việc đầu tư. Đặc biệt với đầu tư mạo hiểm giai đoạn sớm, đây vẫn luôn là chủ đề còn nhiều tranh cãi. Từ góc nhìn của tôi, định giá 1 công ty sẽ không phân biệt trắng hay đen, mà sẽ là hợp lí hay không hợp lí trong từng giai đoạn và hoàn cảnh khác nhau. Đây là 1 chủ đề khó và nhạy cảm, nhưng cũng rất đáng để bàn luận; và mỗi nhà đầu tư đều có quan điểm riêng của mình. Tôi mong rằng qua bài blog này, các nhà sáng lập sẽ có thêm 1 góc nhìn nữa về định giá, qua đó có thể xây dựng chiến lược gọi vốn phù hợp và hiệu quả cho đứa con tinh thần của mình. Lưu ý : Những luận điểm bên dưới đều là quan điểm cá nhân của tôi - người mới chỉ hơn 1 năm kinh nghiệm và vẫn đang học đại học. Vì thế, với trải nghiệm còn rất hạn chế, có thể những quan điểm tôi đưa ra sẽ chưa được phù hợp, nói cách khác, vẫn “còn rất non và xanh”. Vì thế, các bạn đọc hãy tiếp thu một cách có chọn lọc nhé! Lời nói đầu…. Định giá là một vấn đề quan trọ...

Book review: Chiêm nghiệm về Good money và Bad money trong startup và cuộc sống

Chào anh chị và các bạn quay lại với bytuanhuynh. Gần đây tôi đọc cuốn sách How Will You Measure Your life được viết bởi bác Clayton. M Christensen. Tôi rất ấn tượng và đọc rất thấm Chapter 7: The Ticking Clock, vì thế tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ của tôi trong chương này và mong rằng nó có thể mang lại một góc nhìn mới trong việc phân bổ nguồn lực cho các founder trong startup cũng như cuộc sống. Note: Một chị VC mà tôi may mắn làm việc cùng - chị Hoàng Thị Kim Dung đã viết một blog về chủ đề này, chia sẻ tâm huyết cho các startup founder. Tôi không nghĩ bạn sẽ phí phạm thời gian của mình với bài blog này. Good money và Bad money Trước hết, dưới góc nhìn từ nhà đầu tư, việc đầu tư vào một công ty chủ yếu vì: lợi nhuận và tăng trưởng. Báo cáo của giáo sư Amar Bhide nhận thấy rằng 93% công ty thành công đã loại bỏ đi định hướng ban đầu của công ty. Nói cách khác, các công ty này không dồn hết nguồn lực vào kế hoạch ban đầu, và họ vẫn đủ tiền để thực hiện các chiến lược sau khi p...