Skip to main content

Bạn có phù hợp với VC hay VC có phù hợp với Bạn?

Chào mừng mọi người quay lại bài blog thứ 2 của Tuấn. Như đã đề cập ở bài blog đầu tiên, bài blog này sẽ bàn rõ hơn về việc đồng hành với VC. Mặc dù gần đây, khái niệm gọi vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm dần được “phổ cập hóa” thông qua liên tiếp các thương vụ triệu đô hay vài trăm triệu đô trên báo đài. Tuy nhiên vẫn còn đâu đó những thông tin sai lệch làm chùn bước những Founders khi tìm hiểu về việc gọi vốn.

Bài viết này mong muốn đem lại cho các Founders một góc nhìn rõ ràng về việc gọi vốn từ VC và giúp Founder tìm hiểu liệu mình có thực sự phù hợp với VC qua các câu hỏi ở phần cuối bài. Lưu ý rằng, ở đâu cũng có “người này, người kia” và VC cũng không ngoại lệ, nhưng phần lớn VC không “xấu”. Chúng ta hãy phân tích những điểm “được” và “mất” khi đồng hành với VC.

Những cái “được” khi đồng hành với VC

Hãy bắt đầu với những cái “được” khi đồng hành với VC nhé. Phần này tôi xin phép chia sẻ ngắn gọn thôi, vì báo đài đưa tin cũng khá chuẩn chỉnh rồi. Thứ nhất là “tiền tươi”. Ở giai đoạn sớm, ngoài huy động tiền từ người thân và bạn bè, startup, đặc biệt là startup công nghệ ở giai đoạn sớm rất khó khăn để tiếp cận nguồn vốn bên ngoài như ngân hàng vì không có tài sản thế chấp (collateral). Nên việc có được một lượng tiền mới có thể mang lại nhiều giá trị tích cực cho startup như tuyển thêm nhân sự, hoàn thiện sản phẩm vv. Thứ hai, những giá trị cộng hưởng. “Ngoài tiền thì quỹ bạn còn có thể add những value gì?” hay những câu hỏi tương tự là một trong những câu hỏi tôi phải trả lời nhiều nhất khi họp với các Founder. Về mặt này thì mỗi VC sẽ “chào hàng” khác nhau và tin tốt là các VCs ở Việt Nam đang nỗ lực cố gắng để gia tăng những giá trị cộng hưởng của mình. Theo tôi, những giá trị này có thể tóm tắt bằng 3 chữ: bạn đồng hành - người luôn sát cánh cùng bạn trong những giai đoạn khó khăn nhất cũng như thăng hoa nhất.

Những cái “mất” khi đồng hành với VC

Đó là những cái “được”, giờ hãy tìm hiểu những cái “mất”. Phần này sẽ được bàn sâu hơn mong rằng sẽ giúp bạn có một góc nhìn toàn diện nhất trước khi cân nhắc đồng hành cùng VC. Đầu tiên là cái “mất” thường được truyền thông nhắc đến: Mất quyền kiểm soát.

Để hiểu rõ hơn, hãy cùng tìm hiểu bản chất vấn đề nhé. Pha loãng cổ phiếu (dilution) xảy ra khi một công ty phát hành cổ phiếu mới cho (những) đối tượng nhất định khiến cho tỉ lệ sở hữu công ty của các cổ đông hiện tại bị giảm xuống. Nói cách khác, trong một vòng gọi vốn, startup sẽ phát hành cổ phần mới cho các VC tham gia đầu tư, qua đó làm giảm tỷ lệ sở hữu của Founder. Tuy nhiên, đa phần các thương vụ đầu tư trên thị trường có tỷ lệ dưới 20%, đảm bảo rằng đội ngũ sáng lập không bị pha loãng quá nhiều, và vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng. Tôi nghĩ các VCs ý thức rất rõ việc Founder bị pha loãng quá nhiều sẽ làm mất ý chí founder, không còn nhiều động lực để phấn đấu, rẩt có thể dẫn đến thất bại của công ty. Và thất bại của startup chính là thất bại của VC. Do đó, rất ít có trường hợp VC chiếm quyền kiểm soát của startup (sở hữu tỷ lệ cổ phần cao hơn đội ngũ sáng lập), trừ Ventures builders hay các VC không có “tên tuổi” trong thị trường. Cá nhân tôi luôn khuyên các Founder nên giữ tỷ lệ pha loãng ở khoảng 10-20% cho mỗi vòng gọi vốn, để gọi xong từ 3-4 vòng thì cổ phần của đội ngũ vẫn “đủ nhiều” nếu họ exit. Quản lí cap table hay bảng giá trị vốn hóa là một chủ đề lớn, và có lẽ tôi nên có một bài riêng để đề cập chủ đề này. Tóm lại, tôi nghĩ rằng cụm “mất kiểm soát” nên được thay bằng “chia sẻ quyền kiểm soát do đánh đổi cổ phần”, vì trên thực tế, startup không thực sự MẤT quyền kiểm soát.

Ngoài ra, một số trường hợp trong hợp đồng đầu tư thường sẽ kèm theo điều khoản Reserved matters - quy định những quyết định quan trọng trong hoạt động của startup cần phải được sự đồng ý của các nhà đầu tư hiện hữu. Như tôi đã đề cập ở trên, Startup win thì VC win, điều khoản này giúp các VC đảm bảo rằng những quyết định lớn của đội ngủ sáng lập không đi “sai đường”.

Thứ hai, cái bẫy tăng trưởng. Theo CB Insights, 70% startups được VC đầu tư thất bại. Ở Mỹ, chỉ 0.107% startups thực sự mang lại ROI (Return on Investment) cho nhà đầu tư sau 10 năm. Tỷ lệ startup thất bại là rất cao, vì thế VCs thường sẽ đầu tư vào các startups có thể mang lại return/ lợi nhuận cao để bù lại cho các startups đầu tư bị thua lỗ. Do đó, đội ngũ sáng lập luôn bị đặt dưới áp lực tạo ra doanh số ấn tượng liên tục. Ngoài ra, những mô hình tăng trưởng cao thường sẽ đòi hỏi gọi vốn liên tục để đặt được mức tăng trưởng kì vọng. Với runway thông thường khoảng 18 tháng cho một vòng gọi vốn seed, thì sau khoảng hơn 1 năm hoạt động, Founder lại phải chuẩn bị cho một vòng gọi vốn mới (1 vòng gọi vốn có thể kéo dài từ 2-6 tháng). Quỹ thời gian của bạn cho startup không chỉ là vận hành doanh nghiệp và bán hàng, mà phải san sẻ bớt cho gọi vốn như chuẩn bị pitch deck, data room, đi pitching, vv. Chính tiền và áp lực tăng trưởng trên vai tạo ra cái bẫy, khiến cho Founder mất đi sự tỉnh táo cần thiết để đưa startup phát triển bền vững (sustainable). Theo tôi, đây mới là cái “mất” đáng kể nhất mà Founder có thể phải đối mặt. Ngoài ra, việc gọi vốn liên tục cũng tạo ra thách thức đối với các Founders thích tập trung làm business hay operation.

3 câu hỏi để biết VC có phải sự lựa chọn phù hợp với startup bạn

Mọi việc đều có 2 mặt, và việc đồng hành với VC cũng không phải là một ngoại lệ. Tôi xin được chia sẻ 3 câu hỏi mà bạn có thể tự hỏi chính mình giúp bạn xác định được: Liệu VC có phù hợp với bạn?

  1. Bạn cảm thấy như thế nào về những cái “mất”?

    Nếu việc bị pha loãng thực sự làm bạn bận tâm; bạn tự tin mình có thể vượt qua được cái bẫy tăng trưởng và sẵn sàn dành thời gian của mình cho việc gọi vốn, tôi tin rằng bạn đang có mindset phù hợp để gọi vốn. Còn nếu bạn vẫn còn băng khoăng, thì 2 câu hỏi tiếp theo sẽ giúp bạn định hình rõ hơn.

  2. Bạn có đủ nguồn lực để làm một mình?

    Mỗi startup sinh ra đều đi kèm với sứ mệnh và tầm nhìn (vision) của các Founders mong muốn đạt được. Vậy để đạt được vision đó thì startup đã có đủ nguồn lực (vốn, nhân lực, kĩ năng, các mối quan hệ , vv.) hay không; các Founders nên đánh giá tổng quan về khía cạnh này. Bạn nên đảm bảo nguồn vốn đủ để công ty duy trì hoạt động kinh doanh ít nhất đến thời điểm đạt được điểm hòa vốn. Đặc biệt là các startup công nghệ, khi thời gian ban đầu phải tốn nhiều chi phí, nhân lực và thời gian để xây dựng sản phầm và bán được sản phẩm đó.

    Thẳng thắng rằng không phải mô hình kinh doanh nào cũng cần và cũng phù hợp với tiền của VC. Việc xác định liệu mô hình của bạn có phù hợp với VC là rất quan trọng. Những tin tức “gọi vốn thành công” xuất hiện rất nhiều, vô tình tạo ra làn sóng FOMO cho các Founder về việc gọi vốn. Phải thật tỉnh táo rằng gọi được vốn từ VC không bảo chứng cho một business thành công. Rất nhiều startups được các VC top đầu thế giới chống lưng vẫn “thất bại” như thường. Wework - kỳ lân công nghệ trong mảng co-working space, từng được Softbank đầu tư $4.4 tỷ USD với mức định giá $20 tỷ USD. Tăng trưởng nóng chạm đỉnh $47 tỷ USD trong năm 2019 rồi mất đi 75% giá trị công ty sau 2 năm kế tiếp. Đến kỳ lân cũng gãy sừng!

    Có nhiều cách khác nhau để xác định liệu mô hình của bạn có phù hợp với VC. Cách chính xác nhất nhưng có lẽ hơi mất thời gian là đi hỏi trực tiếp VC. Tìm những mô hình tương tự ở các nước khác để xem họ đã gọi vốn thành công chưa cũng là một cách khác bạn có thể thử. Còn nếu bạn thấy chẳng có mô hình nào tương tự trên thế giới, bạn nên đặt câu hỏi và cố gắng tìm câu trả lời chi tiết nhất có thể: “Tại sao 7 tỷ người lại không nghĩ ra/ làm theo ý tưởng này?”. Thật ra có không ít mô hình không theo mô hình đi trước trên thế giới và thành công ở thị trường Việt Nam, nên hãy có một câu trả lời thật thỏa đáng để củng cố quan điểm của bạn nhé. Tôi xin phép được đưa chia sẻ cụ thể về Fundiin - một startup mà Genesia đã đầu tư đi theo mô hình Mua trước trả sau (Buy now Pay later). Trên thế giới, có khá nhiều công ty theo mô hình này đã gọi được vốn và đang trên đà phát triển không ngừng như Afterpay hay Klarna với hàng chục triệu người dùng trên thị trường; được các quỹ đầu tư nổi tiếng đầu tư; và giờ đây đã trở thành công ty đại chúng với định giá tỷ đô. Fundiin đã chọn mô hình đã được chứng minh cùng với đội ngũ rất “mạnh” và am hiểu thị trường Việt Nam, hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Phổ cập hóa giải pháp tài chính mới, giúp tối ưu hóa dòng tiền cho nhiều người Việt hơn nữa.

  3. Thị trường mà startup hoạt động có cho phép một mô hình bootstrapping (tự lực phát triển)?

    Theo tôi, ở bất kì thị trường nào đều có cơ hội để các startup phát triển. Tuy nhiên, một số thị trường nhất định đòi hỏi một nguồn vốn dồi dào, tạo lợi thế cho các startup tăng trưởng nhanh (được đầu tư bởi VC) chiếm thị phần lớn, từ đó trở thành người dẫn đầu thị trường (market leader) và có thể gây sức ép lên các startups theo mô hình bootstrap. Thị trường e-commerce là một case study thú vị cho luận điểm tôi nói trên. Việc các startups có nguồn vốn dồi dào như Lazada, Shopee hay Tiki trong thị trường liên tục “đốt tiền” cho quảng cáo và khuyến mãi để thu hút khách hàng tạo ra những thách thức lớn cho các boostrapping startups để có khách hàng mới. Ngoài ra, mô hình này cũng đòi hỏi một hệ thống logistic “khủng”, quy mô lớn và cần nhiều vốn cho đầu tư ban đầu như kho bãi, hệ thống fulfilment, vv. Theo CB insight, lý do thất bại của startup do bị đối thủ cạnh trạnh vượt mặt cao thứ 3 chỉ sau hết vốn để duy trì hoạt động (ran out of cash) và làm sản phẩm mà thị trường không cần. Nên bạn cần lưu ý, đánh giá thật kĩ thị trường nhé.

    Trên thực tế, có rất nhiều case studies về bootstrap thành công, thậm chí một số công ty có giá trị vượt qua nhiều startup được VC đầu tư. Điển hình nhất có thể kể đến Mailchimp - công ty phần mềm dịch vụ email marketing, email automation hàng đầu thế giới. Vào năm 2019, Intuit - công ty phần mềm tài chính đã mua lại Mailchimp với định giá khủng $12 tỷ USD.

Mong rằng 3 câu hỏi ở trên giúp bạn xác định được startup nên theo mô hình boostapping hay đồng hành cùng VC. Đến đây, đối với các Founders mong muốn đồng hành cùng VC thì Tuấn xin chia sẻ thêm một điểm nữa về việc chọn lựa VC. Vì mỗi VC sẽ có những sự mong đợi khác nhau nên trước khi nhận đầu tư của VC: Hãy xác định thật rõ mục tiêu, tầm nhìn, và chiến lưc phát triển của bạn và của VC; và đảm bảo rằng 2 bên cùng nhìn về một hướng. Ở Genesia, chúng tôi tin rằng công ty cần tìm được Product Market Fit, như xây dựng bàn đạp vững chắc cho sự phát triển tương lai hơn là cố ép chín các startup. Tuấn tin rằng khi bạn và VC có cùng một điểm nhìn sẽ tăng tỷ lệ các nhà đầu tư ủng hộ các quyết định lớn của bạn sau này. Lưu ý rằng, chia sẻ chung định hướng chỉ là một trong rất nhiều tiêu chí lựa chọn VC.

Lời kết

Mong rằng bài viết này có thể giải đáp những băng khoăn của Founder về việc gọi vốn của VC. Đừng để các thông tin báo chí, truyền hình về việc gọi vốn mà trở nên FOMO, hãy chậm lại 1 bước để xem liệu bạn có thực sự cần và muốn đồng hành cùng VC cũng như mô hình của bạn có phù hợp với VC. Việc này sẽ giúp tiết kiệm được thời gian và công sức của chính bạn và nhà đầu tư. Với tư cách là một VC, Tuấn mong muốn được gặp nhiều Founders và đầu tư vào các startup tiềm năng, tuy nhiên Tuấn tin rằng chỉ khi 2 bên cùng chia sẻ một tầm nhìn và sứ mệnh thì việc hợp tác mới phát triển bền vững! Cảm ơn bạn đã đọc bài blog của Tuấn và mong rằng bài viết này có thể mang lại được giá trị cho bạn. Còn chủ đề nào bạn muốn tìm hiểu nữa, hãy chia sẻ với Tuấn ở phần comment nhé!

Popular posts from this blog

Chuẩn bị cho điều khoản rút lui - GOOD LEAVER và BAD LEAVER

Xin chào các anh chị và các bạn! Trong quá trình hoàn tất 1 deal đầu tư gần đây, tôi có cơ hội để nghiêm túc “suy tư” về điều khoản rút lui (leaver provision) trong hợp đồng đầu tư. Đây là điều khoản mà tôi chưa thật sự để ý trước đây nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến startup trong những giai đoạn phát triển sau này. Trong quá trình nghiên cứu tài liệu để viết bài blog này, tôi khá bất ngờ rằng chưa có tài liệu tiếng việt đề cập đến điều khoản này, và việc này càng thôi thúc tôi “việt hóa” điều khoản này. Vì vậy, tôi mong muốn qua bài blog này có thể chia sẻ những thông tin cần thiết để các nhà sáng lập có thể biết và chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi đặt bút kí bất kì hợp đồng đầu tư nào. Tại sao chúng ta cần điều khoản rút lui? Đối với các thương vụ đầu tư giai đoạn sớm, yếu tố con người luôn chiếm 1 phần rất quan trọng đối với bất kì quyết định đầu tư vào. Lúc này, góc nhìn định giá sẽ là: Với đội ngũ sáng lập này, tiềm năng phát triển của startup A trong thị trường B sẽ như thế nào trong t

Đánh giá ý tưởng startup với lý thuyết Delta-4 bởi Kunal Shah

 Xin chào quý anh chị và các bạn. Gần đây tôi may mắn đọc được 1 bài chia sẻ về lý thuyết Delta4 với chủ đề ‘Làm thế nào để đánh giá ý tưởng khởi nghiệp của bạn?’ bởi anh Kunal Shah, founder CRED App và ex-founder Freecharge (được Snapdeal mua lại với giá $450M). Đây là lý thuyết mà tôi thấy thú vị và thiết thực, vì thế tôi viết bài blog này với mong muốn nhiều founder biết đến hơn, là một cơ sở để anh chị có thể đánh giá ý tưởng kinh doanh của mình. Lý thuyết Delta4 Theo anh Kunal, sự giàu có được tạo ra khi doanh nghiệp giúp con người đi từ điểm A đến điểm B một cách hiệu quả hơn. Một sản phẩm mới được tạo ra nên có khả năng thay đổi mạnh mẽ hành vi của người tiêu dùng, thay thế sản phẩm hiện có đang được thị trường sử dụng. Nếu xét độ hiệu quả của 2 mô hình trên thang điểm 1-10. Lý thuyết phát biểu rằng trong bất kì thị trường nào, mô hình nào có delta lớn hơn 4, nó sẽ mở khóa “hủ vàng”. ∆e  ≥ 4 Sau khi nghiên cứu về lý thuyết này, tôi nghĩ rằng sẽ rất khó để tính số điểm một cá

Những sai lầm thường gặp khi làm investment deck: #1 Cấu trúc

Trong khoảng hơn 1 năm làm VC, tôi đã có may mắn được đọc nhiều pitch deck, có những deck làm rất hay, nhưng cũng có vài deck tôi đọc 1 hồi cũng chưa hiểu startup đang giải quyết vấn đề gì. Vì tôi không muốn say “NO” khi bản thân chưa thực sự hiểu được startup cũng như có thể hỗ trợ một phần nhỏ các founder xây dựng được những deck tốt hơn trong tương lai. Đó chính là động lực để tôi ngồi xuống viết 1 series về chủ đề làm pitch deck cho startup. Do tôi chưa từng làm bất cứ 1 pitch deck nào cả, nhưng được may mắn được đọc khá nhiều deck (150+) trong quá trình làm việc, nên tôi sẽ đề cập đến những lỗi mà các founder thường mắc phải, từ đó đưa ra những hướng tiếp cận phù hợp hơn. Lưu ý rằng, phần lớn nội dung của chuỗi bài viết này dựa trên quan điểm cá nhân, và tôi luôn tin rằng luôn có nhiều hơn 1 những cách tiếp cận để giải quyết vấn đề. Vì thế, tôi rất vui nếu bạn đưa ra những ý kiến của mình ở phần bình luận. Ở phần đầu tiên này tôi sẽ đề cập đến cấu trúc của pitch deck. Trước hết, t