Skip to main content

Những sai lầm thường gặp khi làm investment deck: #1 Cấu trúc

Trong khoảng hơn 1 năm làm VC, tôi đã có may mắn được đọc nhiều pitch deck, có những deck làm rất hay, nhưng cũng có vài deck tôi đọc 1 hồi cũng chưa hiểu startup đang giải quyết vấn đề gì. Vì tôi không muốn say “NO” khi bản thân chưa thực sự hiểu được startup cũng như có thể hỗ trợ một phần nhỏ các founder xây dựng được những deck tốt hơn trong tương lai. Đó chính là động lực để tôi ngồi xuống viết 1 series về chủ đề làm pitch deck cho startup.

Do tôi chưa từng làm bất cứ 1 pitch deck nào cả, nhưng được may mắn được đọc khá nhiều deck (150+) trong quá trình làm việc, nên tôi sẽ đề cập đến những lỗi mà các founder thường mắc phải, từ đó đưa ra những hướng tiếp cận phù hợp hơn. Lưu ý rằng, phần lớn nội dung của chuỗi bài viết này dựa trên quan điểm cá nhân, và tôi luôn tin rằng luôn có nhiều hơn 1 những cách tiếp cận để giải quyết vấn đề. Vì thế, tôi rất vui nếu bạn đưa ra những ý kiến của mình ở phần bình luận. Ở phần đầu tiên này tôi sẽ đề cập đến cấu trúc của pitch deck.

Trước hết, tôi muốn làm rõ 1 khái niệm: Bạn sẽ không nhận được tiền đầu tư nếu chỉ có 1 pitch deck tốt, nhưng bạn sẽ mất đi cơ hội nhận đầu tư với 1 chiếc deck “tồi”. Chắc các bạn sẽ nghe nhiều lý do khác nhau của các VC tại sao lại đầu tư một startup, nhưng có lẽ 1 chiếc pitch deck tốt chưa bao giờ là một lý do cốt lõi cả. Pitch deck thật chất chỉ là một công cụ giao tiếp bước đầu giữa founder và nhà đầu tư. Nhưng sẽ thật tệ nếu nhà đầu tư không “hứng thú” sau khi đọc xong pitch deck phải không? Và... bạn sẽ đánh mất cơ hội cho 1 buổi gặp đầu tiên. Đối với startup giai đoạn sớm, mục đích quan trọng nhất của pitch deck là “khơi gợi” sự “hứng thú “của nhà đầu tư đủ để lên lịch cho một họp buổi trao đổi chuyên sâu hơn. Gọi vốn không chỉ có pitch deck, còn nhiều việc khác phải làm và tốn rất nhiều thời gian nữa.

Khi nhắc đến deck, mọi người thường liên tưởng đến 2 loại hình: (1) ngắn gọn, ít chữ, xúc tích; và (2) là kiểu chi tiết, nhiều chữ, có thể đọc sâu. Hiện nay, theo tôi thấy thì kiểu (1) hiện đang phổ biến hơn, thường gửi cho investors trong giai đoạn đầu và sẽ loại hình mà tôi đề cập xuyên suốt trong series này. Còn với kiểu (2) thường được gửi sau khi nhà đầu tư muốn tìm hiểu sâu hơn về công ty. Lưu ý rằng, việc làm slide sẽ khiến bạn “hi sinh” độ chi tiết của thông tin; vì vậy, trong nhiều trường hợp, các founder thường đính kèm những thông tin chi tiết trong data room thay vì làm slide.

Deck quá dài và phức tạp

Đây có lẽ là một trong những lỗi phổ biến nhất mà tôi thấy nhiều startup gặp phải. Bạn muốn truyền tải nhiều thông tin nhất có thể về đứa con tinh thần của mình, và điều đó không sai nếu đứng ở góc nhìn của founder. Nhiều nhà sáng lập trình bày chi tiết để nhấn mạnh quá trình làm việc chăm chỉ cũng như những đúc kết bạn có được trong chặng hành trình của mình. Tuy nhiên, còn góc nhìn của nhà đầu tư thì sao? Việc “hấp thụ” quá nhiều thông tin dễ dẫn đến thông tin bị loãng, dễ gây bối rối và khiến họ bị sao nhãng với những thông tin quan trọng của startup. Và khó để lại ấn tượng sau khi review cũng như động lực lên lịch cho những buổi gặp trao đổi trực tiếp.. 

Tôi xin được trích lại chia sẻ của bác Fred Wilson - một trong những VC mà tôi ngưỡng mộ:

“Like many things in life, less is more in fundraising slides. You can explain your business in mind-numbing detail or you can inspire an investor and let them imagine. Guess what works better?”

Tạm dịch:

“Giống như nhiều thứ trong cuộc sống, ít hơn là nhiều hơn cũng áp dụng trong gọi vốn. Bạn có thể giải thích chi tiết về doanh nghiệp của mình hoặc bạn có thể truyền cảm hứng cho nhà đầu tư và để họ tưởng tượng. Đoán xem cách tiếp cận nào hiệu quả hơn? ”

Một khi bạn đã “lấy” được sự chú ý từ nhà đầu tư, tôi tin rằng họ sẽ chủ động sắp xếp các cuộc họp để hiểu rõ hơn về startup và bạn. Lúc này, pitch deck đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của nó!

Loại bỏ những chi tiết thừa

Vậy làm sao để biết bao nhiêu thông tin là đủ? Theo tôi, 10-12 slides là một con số đẹp cho một pitch deck (tôi sẽ trình bày về nội dung của mỗi slide ở phần kế). Ý của tôi là slide vẫn phải được trình bày rõ ràng và cỡ chữ dễ đọc nhé. Hãy cố gắng bỏ đi những thông tin không đóng góp giá trị vào tổng thể và làm mất đi sự rành mạch của bài.

Hãy lấy ví dụ về 1 deck mà tôi đã review qua:

Tiêu đề của slide: Mọi thành công bắt đầu từ những bước nhỏ - founder đó đưa ra những câu chuyện thành công của các unicorns bắt đầu từ việc gọi một vòng seed nhỏ trong quá khứ chỉ vì bạn ấy đang gọi một vòng vài trăm ngàn USD và tin rằng cũng sẽ thành công trong tương lai. Thẳng thắn, tôi không nghĩ rằng gọi một vòng seed nhỏ thực sự ảnh hưởng đến sự thành công của startup; và nó cũng không ảnh hưởng đến những giá trị cốt lõi của startup. Vì vậy, đây là một slide “thừa” và nếu được, bạn nên cắt bỏ chúng.

Vậy làm sao để biết thông tin nào là cần thiết?

Theo Dilek Dayınlarlı từ quỹ ScaleX Ventures, những thông tin trong deck của bạn cần trả lời được 3 câu hỏi chính:

1. Bạn đang làm gì?

2. Tại sao bạn đang làm điều đó ngay bây giờ?

3. Tại sao bạn là người phù hợp để làm điều đó?

Leonardo da Vinci – Đơn giản là sự đỉnh cao của sự phức tạp! Việc chắt lọc thông tin sẽ sẽ thật sự là một thử thách đối với các founder. Mỗi thông tin được đưa ra nên tạo thêm giá trị, nhấn mạnh câu chuyện mà bạn muốn kể.

Cấu trúc của một pitch deck

Không có cấu trúc nào là “hoàn hảo” cả, mỗi người sẽ có những hướng tiếp cận khác nhau. Cá nhân tôi thích nhất cấu trúc được Sequioa giới thiệu vì nó giúp bao hàm đầy đủ thông tin cơ bản mà tôi cần khi review 1 deal. Qua đó giúp tôi có thể tăng hiệu quả của buổi họp qua việc đặt những chuyên sâu hơn với founders. Dù có say no, tôi cũng mong muốn rằng lý do không phải vì tôi không hiểu được giá trị cốt lõi của startup đó. Tôi xin phép lược dịch lại (bạn có thể xem bản tiếng anh ở đây nhé):

Company purpose Hãy xác định sứ mệnh của startup của bạn bằng 1 câu thật ngắn gọn xúc tích.

Problem Nỗi đau thực sự của người dùng của bạn là gì? Ngày nay vấn đề này được giải quyết như thế nào và các giải pháp hiện có là gì?

Solution Tại sao giá trị của bạn đưa ra lại độc đáo và hấp dẫn?

Why now? Các công ty tốt hầu như luôn luôn có một lý do rõ ràng tại sao bây giờ? Vậy tại sao giải pháp của bạn chưa được phát triển trước đây?

Market potential Xác định khách hàng và thị trường của bạn (hãy thêm vào những con số để tăng độ thuyết phục và trực quan cũng như giúp nhà đầu tư có thể ước lượng tốt hơn)

Competition / alternatives Đối thủ cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp của bạn là ai. Hãy chứng tỏ rằng bạn có một kế hoạch để giành chiến thắng.

Business model Bạn dự định phát triển công ty như thế nào? Bạn nên thêm những nguồn doanh thu của công ty ở phần này

Team Giới thiệu về đội ngũ sáng lập

Financials Nếu bạn đã có tractions, hãy thêm vào ở slide này

Vision Tầm nhìn của đội ngũ sáng lập. Nếu mọi thứ diễn ra như kế hoạch, bạn sẽ đạt được những thành tựu gì sau 5 năm

Phần đầu tiên của series xin dừng lại tại đây. Cảm ơn bạn đã đọc bài blog của Tuấn và mong rằng bài viết này có thể mang lại được giá trị cho bạn, giúp bạn có thể tránh được một trong những sai lầm phổ biến khi chuẩn bị deck nhé. Nói thì dễ, nhưng làm lại rất khó. Hãy kiên trì nhé các founders! Còn chủ đề nào bạn muốn tìm hiểu nữa, hãy chia sẻ với Tuấn ở phần comment nhé.

Popular posts from this blog

Chuẩn bị cho điều khoản rút lui - GOOD LEAVER và BAD LEAVER

Xin chào các anh chị và các bạn! Trong quá trình hoàn tất 1 deal đầu tư gần đây, tôi có cơ hội để nghiêm túc “suy tư” về điều khoản rút lui (leaver provision) trong hợp đồng đầu tư. Đây là điều khoản mà tôi chưa thật sự để ý trước đây nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến startup trong những giai đoạn phát triển sau này. Trong quá trình nghiên cứu tài liệu để viết bài blog này, tôi khá bất ngờ rằng chưa có tài liệu tiếng việt đề cập đến điều khoản này, và việc này càng thôi thúc tôi “việt hóa” điều khoản này. Vì vậy, tôi mong muốn qua bài blog này có thể chia sẻ những thông tin cần thiết để các nhà sáng lập có thể biết và chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi đặt bút kí bất kì hợp đồng đầu tư nào. Tại sao chúng ta cần điều khoản rút lui? Đối với các thương vụ đầu tư giai đoạn sớm, yếu tố con người luôn chiếm 1 phần rất quan trọng đối với bất kì quyết định đầu tư vào. Lúc này, góc nhìn định giá sẽ là: Với đội ngũ sáng lập này, tiềm năng phát triển của startup A trong thị trường B sẽ như thế nào trong t...

Book review: Chiêm nghiệm về Good money và Bad money trong startup và cuộc sống

Chào anh chị và các bạn quay lại với bytuanhuynh. Gần đây tôi đọc cuốn sách How Will You Measure Your life được viết bởi bác Clayton. M Christensen. Tôi rất ấn tượng và đọc rất thấm Chapter 7: The Ticking Clock, vì thế tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ của tôi trong chương này và mong rằng nó có thể mang lại một góc nhìn mới trong việc phân bổ nguồn lực cho các founder trong startup cũng như cuộc sống. Note: Một chị VC mà tôi may mắn làm việc cùng - chị Hoàng Thị Kim Dung đã viết một blog về chủ đề này, chia sẻ tâm huyết cho các startup founder. Tôi không nghĩ bạn sẽ phí phạm thời gian của mình với bài blog này. Good money và Bad money Trước hết, dưới góc nhìn từ nhà đầu tư, việc đầu tư vào một công ty chủ yếu vì: lợi nhuận và tăng trưởng. Báo cáo của giáo sư Amar Bhide nhận thấy rằng 93% công ty thành công đã loại bỏ đi định hướng ban đầu của công ty. Nói cách khác, các công ty này không dồn hết nguồn lực vào kế hoạch ban đầu, và họ vẫn đủ tiền để thực hiện các chiến lược sau khi p...

#9 Định giá startup giai đoạn sớm như thế nào là hợp lí?

Xin chào quý anh chị và các bạn. Định giá luôn là 1 phần tất yếu trong công việc đầu tư. Đặc biệt với đầu tư mạo hiểm giai đoạn sớm, đây vẫn luôn là chủ đề còn nhiều tranh cãi. Từ góc nhìn của tôi, định giá 1 công ty sẽ không phân biệt trắng hay đen, mà sẽ là hợp lí hay không hợp lí trong từng giai đoạn và hoàn cảnh khác nhau. Đây là 1 chủ đề khó và nhạy cảm, nhưng cũng rất đáng để bàn luận; và mỗi nhà đầu tư đều có quan điểm riêng của mình. Tôi mong rằng qua bài blog này, các nhà sáng lập sẽ có thêm 1 góc nhìn nữa về định giá, qua đó có thể xây dựng chiến lược gọi vốn phù hợp và hiệu quả cho đứa con tinh thần của mình. Lưu ý : Những luận điểm bên dưới đều là quan điểm cá nhân của tôi - người mới chỉ hơn 1 năm kinh nghiệm và vẫn đang học đại học. Vì thế, với trải nghiệm còn rất hạn chế, có thể những quan điểm tôi đưa ra sẽ chưa được phù hợp, nói cách khác, vẫn “còn rất non và xanh”. Vì thế, các bạn đọc hãy tiếp thu một cách có chọn lọc nhé! Lời nói đầu…. Định giá là một vấn đề quan trọ...