Skip to main content

Theo đuổi nghề VC ở thời sinh viên - Ngại gì không thử?

 Xin chào quý anh chị và các bạn, gần đây, tôi nhận được khá nhiều câu hỏi từ các bạn sinh viên về việc cần chuẩn bị những gì bước vào sự nghiệp làm VC. Thú thật, từ lúc vào làm VC đến giờ, tôi đã trả lời câu hỏi như thế này khá nhiều, nhưng gần đây tôi may mắn được tham gia phụ trách việc tuyển thực tập cho quỹ Genesia ở thị trường Việt Nam, giúp cho tôi có nhiều góc nhìn hơn về những yếu tố cần và đủ để một bạn trẻ bước vào công việc VC thú vị nhưng cũng đầy thử thách. Mặt khác, tôi tin rằng ngày càng có nhiều bạn trẻ muốn được thử thách bản thân mình hơn nhưng quỹ thời gian của tôi thì khá giới hạn, khó để nhắn tin hay chia sẻ 1-1. Mong rằng bài blog này có thể giúp bạn trả lời câu hỏi: Mình cần chuẩn bị hành trang gì để trở thành Ventrue Capitalist?

Hành trình cá nhân

Vì tôi chẳng phải “chuyên gia” trong lĩnh vực này, cũng như những chia sẻ của tôi đều từ góc nhìn cá nhân, nghĩa là nó có thể phù hợp hay chưa phù hợp với các đối tượng và hoàn cảnh khác nhau. Nên tôi xin được chia sẻ trải nghiệm của bản thân của mình trước từ đó đưa ra những đúc kết sau. Các bạn có thể đọc thêm về hành trình tôi ở bài blog này nhé.

Tôi xin được tóm tắt hành trình của bản thân:

Từ khi là sinh viên năm 1, tôi luôn muốn mình có thể học thêm nhiều kiến thức mới, trau dồi bản thân tốt hơn. Chính ý nghĩ đó thôi thúc tôi đọc nhiều sách hơn cũng như tích cực tham các cuộc thi tại trường. Đến đầu năm 2, tôi cảm thấy dường như mình bị chững lại, kiến thức từ trường và cuộc thi không còn đủ thú vị nữa, đó là lúc tôi nghĩ mình nên bước ra khỏi vùng an toàn, và tôi bắt đầu tìm kiếm cơ hội thực tập. Cũng giống như công ty, tôi đi tìm tầm nhìn của mình khi đi làm việc - “I want to work to give back to the community” (tôi muốn đi làm để đem lại những giá trị cho cộng đồng). Từ đó, tôi nhận thấy giá trị mà nghề VC mang lại rõ ràng và phù hợp nhất với tầm nhìn của mình. Sau khi rãi CV hầu hết các quỹ ở Việt Nam, tôi may mắn được nhận vào làm ở quỹ Access Ventures. Với hơn 1 năm rưỡi trải nghiệm, giờ đây tôi đang là Analyst ở quỹ Genesia.

Trả lời câu hỏi tại sao và tầm nhìn với nghề

Quay lại câu hỏi đề bài, nếu xem việc phát triển sự nghiệp như việc xây nhà, thì việc trả lời được câu hỏi tại sao và tầm nhìn với nghề nghiệp chính là phần móng nhà. Câu trả lời của bạn càng rõ, càng sâu sắc thì móng nhà bạn xây sẽ càng chắc chắn, giúp bạn có thể xây được tòa “Landmark 81” mà không bị đổ hay kiên cố với "phong ba bão táp". Đặc biệt là làm nghề VC, cực nhiều hơn sướng, số lượng công việc lúc nào cũng nhiều hơn số thời gian bạn có, và khả năng vượt qua áp lực liên tục được thử thách. Vào những lúc khó khăn, bị stress, và mệt mỏi nhất, lý do làm nghề chính là động lực rất lớn, giúp tôi vượt qua những khó khăn. Ngoài ra, việc có lý do và tầm nhìn rõ ràng giúp bạn biết mình cố gắng vì điều gì và chính nó là tác nhân thúc đẩy bạn hoàn thiện bản thân của mình hơn mà chẳng cần ai phải nhắc nhở bạn điều này.

Tóm lại, bạn có thể thấy được tầm quan trọng của việc có được lý do và tầm nhìn sâu sắc và rõ ràng. Cá nhân tôi thực sự không có công thức để đi tìm lý do, tuy nhiên, tôi tin rằng, những trải nghiệm mà bạn tích lũy chính là hành trang quý giá giúp bạn tìm được lý do của riêng mình. Và mỗi người là những cá thể độc lập, mang những suy nghĩ và trải nghiệm rất khác nhau, vì thế bạn nên tìm một lý do thực sự thay vì sử dụng hệ quy chiếu của người khác. Một ngày chỉ có 24 tiếng và công việc chiếm ít nhất 1/3 quỹ thời gian, hay với tôi, nó chiếm hơn 1/2, vì thế tôi đi làm vì lý do của mình.

Nếu bạn tìm ra được lý do, tôi nghĩ bạn đã đi được 50% chặng đường rồi! Lúc tôi tìm được lý do của mình, những việc cần làm kế tiếp trở nên rõ ràng hơn.

Tư duy phát triển - Growth mindset

Sau khi đi tìm lý do và tầm nhìn, mình sẽ đi xây dựng  mindset “chuẩn”. Tư duy phát triển được hiểu là không có giới hạn cho khả năng và tiềm năng phát triển của bản thân, miễn mình còn cố gắng thì mình sẽ phát triển. Làm việc trong không gian đổi mới và sáng tạo năng động, nơi các VC phải phân tích và đánh giá những ý tưởng mới, tư duy phát triển là must-have (phải có). Đây chính là nền tẳng để giúp cho một VC có thể phát triển toàn diện, cũng như là yếu tố quan trọng để chọn đội ngũ sáng lập để đầu tư. Riêng cá nhân tôi, nếu có một ngày tôi nghĩ sự phát triển của mình có giới hạn, thì đó là thời gian tốt để tôi nộp đơn từ chức và đóng lại cánh cửa sự nghiệp VC của mình.

Growth mindset là nội dung không quá mới lạ và có nhiều tài liệu xoay quanh chủ đề này, vì thế các bạn có thể tìm đọc thêm. Tôi xin gợi ý cuốn sách Mindset của tác giả Carol Dweck.

May mắn = Unexpected event (sự kiện bất ngờ) + Khả năng tận dụng cơ hội

Một khi bạn đã có 2 điều trên rồi, có lẽ thứ bạn còn thiếu là… may mắn. Nghe lạ nhỉ, để tôi nói rõ hơn cách mà tôi định nghĩa may mắn nhé. May mắn được hình thành từ 2 yếu tố: sự kiện bất ngờ và khả năng tận dụng cơ hội. Và nếu thiếu một trong hai yếu tố này, sẽ không có may mắn nào cả. Trước hết là sự kiện bất ngờ, đây là một yếu tố không thể kiếm soát. Tin tốt là bạn có thể chủ động để tăng xác suất của sự kiện bất ngờ. Trong hành trình của tôi, vào thời điểm ấy, các quỹ không chia sẻ thông tin tuyển dụng của mình trên website hay mạng xã hội, và việc một quỹ “mở cửa” tuyển thực tập là một sự kiện bất ngờ. Tôi gia tăng tỉ lệ của mình bằng cách tìm kiếm các quỹ VC thông qua các thương vụ đầu tư của họ, sau đó tìm kiếm địa chỉ email và gửi CV và Cover letter của mình. Tôi đã gửi cho khoảng 10 quỹ và Access Ventures tuyển dụng chính là sự kiện bất ngờ của tôi. Tuy nhiên, sự kiện bất ngờ không thể trở thành may mắn nếu như bạn thiếu đi khả năng tận dụng cơ hội. Đây là yếu tố có thể kiểm soát, thông qua quá trình tích lũy, học hỏi và phát triển bản thân. Quay lại chặng đường vào Access Ventures, sau khi được nhận lời mời vào vòng tiếp theo, Access yêu cầu working material (tài liệu làm việc) - nhờ tích cực tham gia các cuộc thi cũng như viết nghiên cứu trong lớp, tôi có đủ tài liệu chất lượng để Access đánh giá. Sau đó đến vòng làm kiểm tra nghiên cứu thị trường, nhờ những ngày ngồi viết luận trên trường giúp tôi mài giũa kĩ năng research (nghiên cứu) và phân tích thị trường; cũng như những kiến thức sẵn có mà tôi thu nạp từ thầy cô, bạn bè, sách và báo đã giúp tôi “may mắn” được nhận vào làm thực tập ở quỹ Access Ventures.

Đối với tôi, may mắn không tự nhiên mà đến, mà nó đòi hỏi nhiều nỗ lực và điều kiện đằng sau. Trong công thức này, việc mài giũa khả năng tận dụng cơ hội là vô cùng cần thiết, tuy nhiên, bạn nên cần cù một cách chiến lược. Ví dụ, bạn muốn vào làm công việc A và nghĩ mình cần trau dồi x, y, và z. Bạn có thể xác nhận những kĩ năng bạn cần trau dồi bằng cách trao đổi với người đã làm công việc A, cũng như những chiến lược trau dồi những kĩ năng cần thiết một cách hiệu quả.

Phần kết

Tóm lại, nếu bạn để ý, 3 “hành trang” mà tôi kể trên có mối liên kết sâu sắc và chặt chẽ với nhau. Một khi bạn có lý do và tầm nhìn rõ ràng với công việc, bạn sẽ muốn trau dồi khả năng tận dụng cơ hội trên nền tảng tư duy phát triển, nói cách khác, khả năng tận dụng cơ hội sẽ được mài giũa một cách tối đa. Mặt khác, tư duy phát triển giúp bạn “khai phá” những vùng đất mới, nhờ đó bạn có thể tìm được lý do và tầm nhìn của mình thông qua những trải nghiệm của bản thân. Và tôi tin rằng, nếu bạn cố gắng nghiêm túc và kỷ luật, “may mắn” sẽ đến với bạn.

Đọc đến đây, có lẽ bạn đang tò mò hình như tôi đã “bỏ quên” yếu tố thông minh. Đứng ở góc nhìn tuyển dụng, nếu bạn không có 2 yếu tố đầu tiên, thông minh không mang nhiều ý nghĩa với tôi. Thêm vào đó, đây là yếu tố rất khó để định tính bao nhiêu là đủ. Liệu bạn có cần IQ cận thiên tài hay thiên tài (>145) để làm VC? Tôi không chắc, vì VC không chỉ cần IQ mà EQ cao mới là yếu tố quyết định cuộc chơi. Và EQ thì có thể tăng lên theo thời gian qua việc rèn luyện có chủ ý. Dù vậy, tôi vẫn tin vào lý thuyết: Nếu người bình thường và “thiên tài” có cùng mức độ nỗ lực với nhau, sẽ khá khó cho người bình thường theo kịp. Tuy nhiên, khá khó để 2 người có cùng mức độ nỗ lực, và nếu người bình thường nỗ lực một cách chiến lược với nền tảng vững chắc trong khi “thiên tài” dậm chân tại chỗ, thì chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Hơn nữa, người viết bài viết này không có IQ thiên tài hay cận thiên tài.

Lời kết, mong rằng các bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi: Mình cần chuẩn bị hành trang gì để trở thành Ventrue Capitalist? Cảm ơn quý anh chị và các bạn đã đọc bài blog và mong rằng bài viết này có thể mang lại được giá trị cho anh chị.

P/s: Như món quà cảm ơn các bạn đã giành thời gian đọc bài blog này, tôi xin chia sẻ với bạn một sự kiện bất ngờ - cơ hội thực tập tại quỹ Genesia Ventures. Đây là kênh truyền thông đầu tiên mà tôi thông báo trước khi truyền thông rộng rãi hơn sau này. Tôi xin gửi Job Desription ở đây để các bạn tham khảo. Nếu các bạn muốn thử sức, hãy gửi những tài liệu trong JD qua địa chỉ email: tuan@genesiaventures.com

Sẽ bao gồm 5 vòng tuyển chọn và có thể kéo dài từ 2-2.5 tháng. Vòng tuyển chọn sẽ không dễ dàng, nhưng phần thưởng được trở thành VC sẽ xứng đáng với công sức và nỗ lực bạn bỏ ra.

Popular posts from this blog

Chuẩn bị cho điều khoản rút lui - GOOD LEAVER và BAD LEAVER

Xin chào các anh chị và các bạn! Trong quá trình hoàn tất 1 deal đầu tư gần đây, tôi có cơ hội để nghiêm túc “suy tư” về điều khoản rút lui (leaver provision) trong hợp đồng đầu tư. Đây là điều khoản mà tôi chưa thật sự để ý trước đây nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến startup trong những giai đoạn phát triển sau này. Trong quá trình nghiên cứu tài liệu để viết bài blog này, tôi khá bất ngờ rằng chưa có tài liệu tiếng việt đề cập đến điều khoản này, và việc này càng thôi thúc tôi “việt hóa” điều khoản này. Vì vậy, tôi mong muốn qua bài blog này có thể chia sẻ những thông tin cần thiết để các nhà sáng lập có thể biết và chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi đặt bút kí bất kì hợp đồng đầu tư nào. Tại sao chúng ta cần điều khoản rút lui? Đối với các thương vụ đầu tư giai đoạn sớm, yếu tố con người luôn chiếm 1 phần rất quan trọng đối với bất kì quyết định đầu tư vào. Lúc này, góc nhìn định giá sẽ là: Với đội ngũ sáng lập này, tiềm năng phát triển của startup A trong thị trường B sẽ như thế nào trong t

Những sai lầm thường gặp khi làm investment deck: #1 Cấu trúc

Trong khoảng hơn 1 năm làm VC, tôi đã có may mắn được đọc nhiều pitch deck, có những deck làm rất hay, nhưng cũng có vài deck tôi đọc 1 hồi cũng chưa hiểu startup đang giải quyết vấn đề gì. Vì tôi không muốn say “NO” khi bản thân chưa thực sự hiểu được startup cũng như có thể hỗ trợ một phần nhỏ các founder xây dựng được những deck tốt hơn trong tương lai. Đó chính là động lực để tôi ngồi xuống viết 1 series về chủ đề làm pitch deck cho startup. Do tôi chưa từng làm bất cứ 1 pitch deck nào cả, nhưng được may mắn được đọc khá nhiều deck (150+) trong quá trình làm việc, nên tôi sẽ đề cập đến những lỗi mà các founder thường mắc phải, từ đó đưa ra những hướng tiếp cận phù hợp hơn. Lưu ý rằng, phần lớn nội dung của chuỗi bài viết này dựa trên quan điểm cá nhân, và tôi luôn tin rằng luôn có nhiều hơn 1 những cách tiếp cận để giải quyết vấn đề. Vì thế, tôi rất vui nếu bạn đưa ra những ý kiến của mình ở phần bình luận. Ở phần đầu tiên này tôi sẽ đề cập đến cấu trúc của pitch deck. Trước hết, t